Đây là số liệu vừa được Hiệp hội Rau quả Việt Nam công bố. Theo đó, năm nay sầu riêng là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục, dẫn đầu trong nhóm rau quả Việt Nam và chiếm tỷ trọng 51%. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng, 94% là hàng tươi được xuất đi 8 nước trên thế giới, 6% còn lại là hàng đông lạnh và hàng sấy.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng Việt cao nhất với thị phần chiếm 97%, đạt gần 1,9 tỷ USD. Ngoài thị trường Trung Quốc, năm nay xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Czech cũng tăng đột biến đạt gần 10 triệu USD, tăng 28 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết kim ngạch tăng vọt như hiện nay, Việt Nam đang bám sát Thái Lan và vượt Malaysia, Philippines ở thị trường Trung Quốc. Những tháng cuối năm, sầu riêng trái vụ của Việt Nam tiếp tục có lợi thế hơn hàng Thái khi nước này đang bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, hai tháng cuối năm, Việt Nam có thể thu về 200-400 triệu USD từ xuất khẩu sầu riêng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2023 đạt 2,5 tỷ USD. Tháng 12, sản lượng sầu riêng tiếp tục giảm mạnh nên giá có thể tiếp tục lập đỉnh mới.
Sầu riêng trái vụ của Việt Nam bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 10. Hiện, các kho hàng ở miền Tây và Tây Nguyên thu mua sầu riêng Monthong Thái với giá lên tới 150.000 đồng một kg, tăng 25-30% so với đầu tháng và tăng 60% so với hàng chính vụ.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp, cho thấy nếu như năm 2010, cả nước có 92.000 ha sầu riêng, đến nay đã tăng lên 131.000 ha. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của cả nước giai đoạn này là 24,5%.
Sản lượng sầu riêng năm nay ước khoảng trên 1 triệu tấn, tăng 15,9% so với năm 2022. Trong đó, quý III sản lượng khoảng 350.000 tấn, quý IV ước đạt 260.000 tấn. Cục trồng trọt đề nghị các doanh nghiệp và địa phương cần kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt quy định từ phía nhà nhập khẩu để giữ uy tín cho hàng Việt.